Suy nghĩ rút ra từ câu chuyện sau:
Tất cả sức mạnh
Có một cậu bé đang chơi ở đống cát trước sân. Khi đào một đường hầm trong đống cát, cậu bé đụng phải một tảng đá lớn. Cậu bé liền tìm cách đẩy nó ra khỏi đống cát. Cậu bé dùng đủ mọi cách, cố hết sức lực nhưng vẫn không thể đẩy được tảng đá ra khỏi đống cát. Đã vậy bàn tay cậu còn bị trầy xước, rướm máu. Cậu bật khóc rấm rứt trong thất vọng.
Người bố ngồi trong nhà lặng lẽ theo dõi mọi chuyện. Và khi cậu bé bật khóc, người bố liền bước tới: “Con trai, tại sao con không dùng hết sức mạnh của mình?” Cậu bé đáp: “có mà! Con đã dùng hết sức rồi mà bố” “Không con trai – người bố nhẹ nhàng nói – con đã không dùng đến tất cả sức mạnh của con. Con đã không nhờ bố giúp” Nói rồi người bố cúi xuống bới tảng đá ra, nhấc lên và vứt đi chỗ khác.
Bài làm:
Nói đến sức mạnh, là ta thường nghĩ đến những vấn đề về khía cạnh thể lực của cơ thể. Vậy con người có bao nhiêu sức mạnh? Nếu chúng ta chỉ tính về vấn đề thể lực? Cuộc sống, có những người dùng sức mạnh không nhất thiết từ đôi tay của mình để thành công, đọc xong câu truyện “Tất cả sức mạnh” dường như ta được vỡ lẽ ra một khía cạnh khác của sức mạnh mà bấy lâu nay mình cũng chưa rõ.
Câu truyện xoay quanh một tình huống nho nhỏ của cậu bé nọ, vì đang chơi trên đống cát, vô tình cậu bé vấp phải một tảng đá lớn, chắn ngang trò chơi của cậu. Vì không biết phải làm thế nào, cậu đã tìm mọi cách để bẩy nó ra khỏi đống cát nhưng vẫn không thể làm được. Hơn nữa, cơ thể lại bị thương, rướm máu vô cùng đau đớn. Lúc ấy, chính hành động của cha cậu bé đã để lại cho ta nhiều thông điệp ý nghĩa, khi ông bước tới và nói cho cậu nghe về một thứ sức mạnh cậu chưa sử dụng tới: “có mà! Con đã dùng hết sức rồi mà bố” “Không con trai – người bố nhẹ nhàng nói – con đã không dùng đến tất cả sức mạnh của con. Con đã không nhờ bố giúp”.
Và dường như ta giống như cậu bé lúc ấy trong truyện, tựa như được vỡ lẽ ra điều gì đó. Hóa ra, dù cậu có dùng hết tất cả thể lực của mình, sức mạnh của bàn tay mình, thì sức mạnh của cậu vẫn chỉ nằm ở chính bản thân cậu. Có một thứ sức mạnh khác lớn lao hơn và có thể sẽ hiệu quả hơn rất nhiều trong trường hợp ấy – sự giúp đỡ. Cách con người tìm đến sự giúp đỡ cũng chính là một sức mạnh, tự lực là điều cần thiết nhưng nếu không biết dựa vào sự giúp đỡ của người khác, thì sự thành công của bản thân mình cũng khó có thể đạt được hơn. Và trong lúc khó khăn cấp bách nhất, hãy để sức mạnh của khối óc mình điều khiển, hãy tìm cách để vượt qua, tìm sự giúp đỡ cũng chính là một sức mạnh mà ta tìm thấy cho mình. Đặt ra cho chúng ta một thông điệp, cuộc sống có nhiều khó khăn phức tạp, đôi khi cần phải nhiều người mới có thể giải quyết được. Ý nghĩa của việc nhận sự giúp đỡ của người khác sẽ giúp ta tránh được những rủi ro thất bại nhiều hơn, hơn nữa còn tạo lập được mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người, gắn kết chúng ta với nhau. Đặc biệt trong xã hội đang ngày càng hội nhập với thế giới hiện nay, việc giao thương giữa các quốc gia, giúp đỡ lẫn nhau càng gắn kết tình hòa bình hữu nghị và sự phát triển toàn diện về lâu dài. Khen ngợi những ai sẵn sàng giúp đỡ người khác vô tư chân thành, qua đó cũng phê phán những đối tượng tự cao tự đại, xem thường sự giúp đỡ của người khác. Hay những cá nhân chỉ trực lợi, dựa dẫm và ỷ lại vào sự giúp đỡ của mọi người.
Câu truyện ngắn nhưng mang lại nhiều thông điệp ý nghĩa, sức mạnh con người không chỉ nằm ở một mặt, một khía cạnh và một phía, mà là sức mạnh được tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau. Hãy luôn giúp đỡ người khác và cố gắng tìm đến sự giúp đỡ khi ta thấy cần thiết nhất với mình.