ĐỀ SỐ 50 - TP1 (2020)

 ĐỀ SỐ 50 - TP1 (2020)


 I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Khi bạn nợ tiền một ai đó, hãy hiểu sâu sắc rằng: chữ nợ ấy không thể chỉ trả bằng giấy bạc, sòng phẳng như giấy bạc. Người ta không đòi bạn cũng chẳng phải vì người ta quên. Đồng tiền đi liền khúc ruột, họ im lặng để chờ xem sự tử tế của bạn có thật như những gì bạn đã hứa hẹn.

Tôi nói với quý nhân của mình rằng, tôi nợ họ, nợ trọn đời này luôn. Cái nợ ấy không còn đơn giản là nợ vật chất nữa. Nếu tôi không đủ tiền để trả thì tôi sẽ trả bằng sự trung thành của mình, bằng sự tận tụy của mình, thậm chí bằng cả máu và nước mắt. Người cho tôi bát cơm lúc tôi giàu sang chưa chắc đã vì tôi mà cho. Nhưng người sẵn sàng kéo tôi ra khỏi khó khăn tuyệt vọng thì chắc chắn họ đã yêu thương và trân quý tôi thực sự.

Bạn có thể là một người nghèo nhưng đừng làm một người bội tín hay vô ơn. Bạn có thể không đủ tiền để trả nhưng phải biết dùng miệng để giữ lại chút tín nhiệm. Bội tín chính là sự suy sụp về mặt kinh tế, bội tín cũng chính là sự thất bại nặng nề về mặt nhân cách. Bạn im lặng, bạn có thể được bố thí hoàn toàn số tiền đó, người hào sảng sẽ không gay gắt với bạn như phường nặng lãi. Nhưng bạn sẽ vĩnh viễn mất đi một ân nhân, một người anh em tử tế, một niềm hy vọng, một chiếc phao cứu sinh trong những cơn đắm chìm về sau. Hãy sống tử tế mỗi ngày.

(Theo Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên)

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2. Theo tác giả, vì sao khi bạn nợ tiền một ai đó, chữ nợ ấy không thể chỉ trả bằng giấy bạc, sòng phẳng như giấy bạc?

Câu 3. Theo anh/chị, "chiếc phao cứu sinh" mà tác giả nói tới trong đoạn trích là gì?

Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan niệm: “Người cho ta bát cơm lúc ta giàu sang chưa chắc đã vì ta mà cho. Nhưng người sẵn sàng kéo ta ra khỏi khó khăn tuyệt vọng thì chắc chắn họ đã yêu thương và trân quý ta thực sự”? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

Từ đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về phương châm: hãy sống tử tế mỗi ngày.

Câu 2 (5.0 điểm)

Trong bài thơ Tây Tiến, nhà thơ Quang Dũng đã hai lần nhắc tới dòng sông Mã: “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi” và “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Từ hình ảnh dòng sông Mã trong tác phẩm, hãy phân tích bức tranh núi rừng miền Tây trong bài thơ để làm nổi bật sự gắn bó giữa thiên nhiên và người lính trên chặng đường hành quân.


HƯỚNG DẪN GIẢI

Nội dung

Điểm

ĐỌC - HIỂU

3.0

Câu 1:

Phương thức biểu đạt chính của văn bản: nghị luận

0.5

Câu 2:

Theo tác giả, “Khi bạn nợ tiền một ai đó, chữ nợ ấy không thể chỉ trả bằng giấy bạc, sòng phẳng như giấy bạc”, vì:

- Cái nợ ấy không chỉ đơn giản là nợ vật chất nữa; đó còn là món nợ ân tình, món nợ niềm tin mà ta phải trả, không chỉ đơn thuần là vật chất.

- Người cho ta bát cơm lúc ta giàu sang chưa chắc đã vì ta mà cho. Nhưng người sẵn sàng kéo ta ra khỏi khó khăn tuyệt vọng thì chắc chắn họ đã yêu thương và trân quý ta thực sự.

1.0

Câu 3:

Trong trường hợp này, “chiếc phao cứu sinh” là sự giúp đỡ trong những tình huống khẩn cấp, khi ta gặp khó khăn không thể tự vượt qua.

0.5

Câu 4:

Thí sinh có thể tự do bày tỏ quan điểm của mình, có thể đồng tình hoặc không đồng tình, hoặc đồng tình điểm này nhưng không đồng tình điểm kia. Sau đây là một số gợi ý:

- Người cho ta bát cơm lúc ta giàu sang có thể là vì động cơ vụ lợi cá nhân (tạo quan hệ, trao đổi việc làm ăn hoặc đơn giản là lấy lòng,...) theo kiểu: “Khi khó thì chẳng ai nhìn/Đến khi đỗ trạng chín nghìn nhân duyên” hoặc "Thấy người sang bắt quàng làm họ"… Tất nhiên, bên cạnh những thái độ vụ lợi cũng có những tình cảm chân thành. Điều quan trọng là ta có đủ tinh tường để nhận ra tình cảm ấy, con người ấy hay không.

- Người kéo ta ra khỏi tuyệt vọng là quý nhân của đời ta. Họ vì tình yêu thương và mong ta tiến bộ. Hành động của họ xuất phát từ tâm, không vụ lợi. Họ cũng không mong nhận được sự báo đáp.

- Trong khó khăn, hoạn nạn, con người mới thực sự biết được ai là bạn, ai là bè. Người ở bên ta và quan tâm ta lúc ta thành công, vinh hiển, chưa chắc đã thành tâm. Nhưng người ở bên ta lúc khó khăn, kiệt quệ nhất định là quý nhân của ta, là bằng hữu đích thực của ta. Họ đã đến với ta bằng sự chân thành. Vì vậy con người nhất thiết phải biết trân quý những người bạn thực sự như thế. Thế gian có câu: “Tri kỉ khó tìm”.

1.0

LÀM VĂN

7.0

Câu 1: “Hãy sống tử tế mỗi ngày”.

2.0

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.

0.25

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Phương châm sống tử tế qua từng suy nghĩ, hành động nhỏ mỗi ngày.

0.25

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề theo nhiều cách nhưng cần làm rõ phương châm sống tử tế qua từng suy nghĩ, hành động nhỏ mỗi ngày. Có thể theo hướng sau:

 

- Giải thích: Sống tử tế mỗi ngày là sống thiện lương, sống có trách nhiệm với chính cuộc đời mình; có ý thức phụng sự cộng đồng qua từng suy nghĩ, hành động nhỏ mỗi ngày.

0.25

- Phân tích, chứng minh:

+ Con người không phải ai cũng có thể trở thành một bậc thánh, một vĩ nhân. Điều thế giới thiếu vắng là lòng tốt bình thường, lòng tốt giản dị và sự đóng góp thầm lặng chứ không phải tình thương của một ông thánh.

+ Những hành động tử tế mỗi ngày, dù là nhỏ bé cũng góp phần tạo nên những thành tựu. Nhiều thành tựu nhỏ sẽ góp phần tạo nên sự vĩ đại. Không phải ai cũng có thể chọn nơi mình sinh ra, nhưng ai cũng có thể lựa chọn cho mình cách sống. Hay nói như mẹ Terresa: “Nếu không làm được việc lớn, hãy làm việc nhỏ với một tình yêu lớn”. Một quốc gia được xây dựng trên nền tảng đạo đức và sự tử tế của toàn xã hội, nhất định sẽ trở thành một đất nước giàu mạnh và văn minh. Điển hình là đất nước Nhật Bản. Nền kinh tế của đất nước này được xây dựng trên những giá trị cốt lõi là tính kỉ luật, tinh thần dân tộc và đạo đức của toàn xã hội.

0.5

- Bàn luận:

+ Có nhiều người vẫn âm thầm làm những việc tử tế hàng ngày với một tình yêu lớn.

+ Một số người quan niệm: muốn thay đổi phải nhờ những việc lớn lao, hệ trọng; rằng những việc nhỏ không tạo nên sự khác biệt, chỉ như “đem muối bỏ bể, đem củi về rừng”...

0.25

- Bài học: thay đổi chính bản thân mình từ những hành động nhỏ nhưng có ích mỗi ngày. Đó là tiền đề để thay đổi thế giới.

0.25

d. Chỉnh tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt.

0.25

e. Sáng tạo

Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

0.25

Câu 2: Từ hình ảnh dòng sông Mã trong bài thơ Tây Tiến, hãy phân tích bức tranh núi rừng miền Tây trong bài thơ để làm nổi bật sự gắn bó giữa thiên nhiên và người lính trên chặng đường hành quân.

5.0

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

Mở bài giới thiệu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

0.25

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Bức tranh núi rừng miền Tây hùng vĩ, dữ dội nhưng không kém phần thơ mộng, trữ tình và sự gắn bó giữa thiên nhiên và người lính trên chặng đường hành quân.

0.25

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

 

* Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm

- Quang Bũng là nghệ sĩ đa tài: làm thơ, vẽ tranh, soạn nhạc. Nhưng người ta biết tới Quang Dũng trước hết với tư cách của một nhà thơ với hồn thơ hồn hậu, lãng mạn, phóng khoáng, tài hoa, nhất là khi ông viết về binh đoàn Tây Tiến và quê hương xứ Đoài mây trắng của mình.

- Tây Tiến được sáng tác khi nhà thơ giã từ đơn vị quân đội của của mình, chuyển sang hoạt động tại một đơn vị khác. Nỗi "nhớ chơi vơi" về kỉ niệm gắn bó một thời với miền đất để nhớ để thương trong đời Quang Dũng đã góp phần biến thi phẩm trở thành một trong những kiệt tác của nền văn học Việt Nam thế kỉ XX.

- Trong kí ức của nhà thơ, dòng sông Mã — hiện thân của thiên nhiên miền Tây vừa hùng vĩ, dữ dội, vừa rất thơ mộng, trữ tình; trở thành người bạn, chứng nhân những vui buồn cuộc đời người lính.

0.5

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần đáp ứng các yêu cầu sau:

3.0

- Hình ảnh dòng sông Mã trong bài thơ:

+ Sông Mã - đối tượng khơi nguồn của nỗi “nhớ chơi vơi” về Tây Tiến: Tiếng gọi “Tây Tiến ơi” bật lên bởi một nỗi nhớ sâu sắc, cồn cào không kìm nén nổi. Đối tượng của nỗi nhớ ấy rất cụ thể, rõ ràng là: “sông Mã”, là “Tây Tiến”, là “rừng núi”. Nỗi nhớ ấy phải khắc khoải lắm thì tác giả mới điệp lại hai lần từ “nhớ”. “Nhớ chơi vơi” là nỗi nhớ chập chờn hư thực, vừa tha thiết, thường trực, vừa mênh mang, đầy ám ảnh, vừa mở ra không gian của tiềm thức, vừa như gợi ra không gian trập trùng của núi đèo rộng lớn. Cách hiệp vần “ơi” làm câu thơ như ngân vang, phù hợp với biên độ của cảm xúc. Toàn bài được bao trùm bởi nỗi nhớ. Trong đó, sông Mã là khởi đầu. Giống như dòng suối ngầm cảm xúc được khơi dậy, nỗi nhớ khởi đầu từ dòng sông Mã đã theo người lính trên suốt chặng đường hành quân.

+ Sông Mã - người bạn đồng hành thuỷ chung của người lính trên chặng đường hành quân; đồng thời là nhân chứng sống của lịch sử ghi lại một cách chân thực những gian khổ của cuộc kháng chiến: trên chặng đường hành quân gian khổ, nhiều chiến sĩ Tây Tiến đã ngã xuống. Nhưng sự ra đi của họ mang đậm màu sắc bi tráng, phảng phất nét kiêu hùng của những tráng sĩ thuở xưa.

Về với đất mẹ trong tình yêu thương của những người đồng đội với “áo bào thay chiếu”, hình ảnh của những chàng trai Tây Tiến đã trở nên bất tử trong tâm thức những người ở lại. Hình ảnh dòng sông Mã gầm thét lên khúc độc hành bi tráng giống như khúc nhạc trầm hùng tiễn đưa người lính về lại đất mẹ thiêng liêng, giữa lòng Tổ quốc. Khúc độc hành là khúc ca đi một mình. Trong đó vừa có cái đau đớn, xót xa khi phải giã biệt người bạn, người đồng đội, vừa có cái bi hùng của một kẻ nuốt nước mắt vào trong, kiên cường đi lên phía trước với phong thái vững vàng không gì lay chuyển. Như vậy, sông Mã không chỉ chứng kiến sự ra đi của người lính mà qua ngòi bút tài và tình của nhà thơ xứ Đoài, nó đã trở thành người bạn đồng hành thủy chung của người lính.

 

- Từ sông Mã, hình ảnh thiên nhiên miền Tây hiện lên trong tác phẩm vừa hùng vĩ, dữ dội, khắc nghiệt; vừa thơ mộng, trữ tình.

+ Địa hình khúc khuỷu, trắc trở, ghập ghềnh của miền Tây chính là con đường hành quân đầy gian khổ của người lính Tây Tiến. Hàng loạt từ láy tạo hình, hòa phối thanh điệu tạo nên một miền Tây đầy khắc nghiệt, dữ dội của núi cao, vực sâu...

+ Những địa danh lạ mang âm hưởng núi rừng, gợi sự xa xôi, hẻo lánh, bí ẩn: Sài Khao, Mường Hịch.

+ Vẻ âm u, thâm nghiêm, bí hiểm của núi rừng miền Tây, đặc biệt là khi chiều về “thác gầm thét” và đêm đến “cọp trêu người”.

+ Vẻ đẹp thanh bình của thiên nhiên được thể hiện qua hình ảnh những bản làng người Thái bồng bềnh trên biển mưa giăng khắp núi rừng, của cảnh sông nước một chiều sương giăng hư ảo. Chất thơ thấm đẫm trong những câu thơ đầy tính nhạc: “'Mường Lát hoa về trong đêm hơi” hay “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Bên cạnh một miền Tây bí ẩn, hoang sơ, ta thấy một miền Tây không kém phần nên thơ, vương vấn.

 

- Sự gắn bó mật thiết giữa thiên nhiên và người lính

+ Thiên nhiên được miêu tả không chỉ với tư cách một thành tố độc lập, nằm ngoài con người mà trong mối quan hệ khăng khít với người lính. Đó là cái nền bao la, khoáng đạt để trên đó, người lính Tây Tiến xuất hiện hào hoa và bi tráng.

+ Thiên nhiên miền Tây hùng vĩ dữ dội, khắc nghiệt nhưng cũng đầy thơ mộng, trữ tình chính là con đường hành quân đầy khó khăn, trắc trở gắn với những kỉ niệm không thể quên của người lính Tây Tiến. Trong cảm nhận của người lính, khi vượt qua chặng đường hành quân gian khổ, thiên nhiên miền Tây hiện lên thật thanh bình, mơ màng.

+ Thiên nhiên vừa là thử thách, vừa là bạn đồng hành, vừa là nhân chứng sống về cuộc đời, sự hi sinh của người lính. Thiên nhiên miền Tây với núi cao, rừng thẳm, vực sâu và những biển mưa giăng khắp núi rừng, dòng sông Mã... trở thành người bạn khăng khít gắn bó với người lính; chứng kiến biết bao vui buồn của họ, chứng kiến cả sự hi sinh rất đỗi kiêu hùng của người lính. Cảm khái trước sự ra đi của người lính, thiên nhiên tấu lên khúc nhạc bi tráng tựa khúc “Hồn tử sĩ” tiễn đưa người lính về với đất mẹ thiêng liêng.

+ Thiên nhiên và người lính là những yếu tố khăng khít cấu thành mảng kí ức trong nỗi nhớ chơi vơi của nhà thơ về một thời gắn bó với Tây Tiến. Trong nỗi nhớ ấy, có “rừng núi” có “Tây Tiến”. Con người và thiên nhiên gắn bó khăng khít, có lúc thiên nhiên là nền cảnh để con người xuất hiện đầy kiêu hùng; có lúc thiên nhiên trở thành người bạn chia sẻ vui buồn; có lúc là thử thách để người lính chinh phục...

 

- Đánh giá: Tài năng của Quang Dũng trong Tây Tiến thể hiện ở chỗ, đó là một ngọn bút đầy tài hoa vừa khắc họa được cái dữ dội, hào hùng lại vừa diễn tả được cái tươi mát, sâu lắng, đau thương mà không hề bi lụy. Trong đó thiên nhiên và con người hòa quyện trong nỗi nhớ đặc biệt, “nhớ chơi vơi” của nhà thơ về một thời không thể nào quên.

0.5

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt.

0.25

e. Sáng tạo

Có cách diễn đạt mới mẻ, thế hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

0.25