ĐỀ SỐ 48 - TP1 (2020)

 

ĐỀ SỐ 48 - TP1 (2020)

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Chúng ta luôn nghĩ thời gian mình còn đủ nhiều để được phép trì hoãn công việc. Có người hài hước phát biểu, chờ đến “nước đến chân mới nhảy”, chúng ta mới phát huy được tối đa khả năng sáng tạo của mình.

...Trong một buổi phỏng vấn, một phóng viên hỏi Mã Vân (tỉ phú Jack Ma): “Ông không phải người tiên phong trong lĩnh vực thương mại điện tử. Tuy nhiên, chỉ trong vài năm ngắn ngủi, ông đã trở thành một nhà lãnh đạo có sức ảnh hưởng lớn trong ngành. Nguyên nhân là do đâu?”. Mã Vân không chút ngần ngại trả lời ngay: “Sự thành lập của Alibaba không được lên kế hoạch từ trước. Chính sự “tức thời”, “ngay lập tức” đã xây dựng nên Alibaba”.

Làm một điều gì đó ngay bây giờ, không chần chừ, ngay lập tức. Đó là thần chú giúp Mã Vân gặt hái được nhiều thành công ngày hôm nay.

Mong muốn nguyện vọng của chúng ta giống như thang máy. Nếu chúng ta cho hai tay của mình vào túi, không chịu bấm nút, chúng ta sẽ không bao giờ có thể lên được nơi mình muốn.

Bạn cần phải nhớ rằng, những gì chúng ta không làm được bây giờ, theo thời gian sẽ trở thành những điều mà bạn dành cả đời cũng không thể hoàn thành.

(Trích Những việc không kịp làm bây giờ, có thêm bao nhiêu thời gian nữa cũng vẫn là không kịp, http://www.kenh14.vn)

Câu 1. Theo Mã Vân, điều gì đã giúp ông thành công khi thành lập Tập đoàn Công nghệ Alibaba?

Câu 2. Việc tác giả dẫn ra cuộc phỏng vấn Mã Vân có tác dụng gì?

Câu 3. Theo anh/chị, vì sao chúng ta thường trì hoãn thực hiện một công việc, một mục tiêu nào đó?

Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan điểm “chờ đến nước đến chân mới nhảy, chúng ta mới phát huy được tối đa khả năng sáng tạo của mình” không? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích phần Đọc - hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về tác hại của thói quen trì hoãn công việc của con người trong cuộc sống.

Câu 2 (5,0 điểm)

Trong đoạn trích Đất Nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng), Nguyễn Khoa Điềm viết:

Trong anh và em hôm nay

Đều có một phần Đất Nước

Khi hai đứa cầm tay

Đất Nước trong chúng ta hài hoà nồng thắm

Khi chúng ta cầm tay mọi người

Đất Nước vẹn tròn, to lớn

Mai này con ta lớn lên

Con sẽ mang đất nước đi xa

Đến những tháng ngày mơ mộng

Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình

Phải biết gắn bó và san sẻ

Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở

Làm nên Đất Nước muôn đời...

Và:

Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng

Họ truyền lửa cho mỗi nhà từ hòn than qua con cúi

Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói

Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân

Họ đắp đập be bờ cho người sau trông cây hái trái

Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm

Có nội thù thì vùng lên đánh bại

Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân

Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại

Dạy anh biết “yêu em từ thuở trong nôi ”

Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội

Biết trồng tre đợi ngày thành gậy

Đi trả thù mà không sợ dài lâu

Ôi những dòng sông bắt nước từ lâu

Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát

Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác

Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi.

(Đất Nước, trích Mặt đường khát vọng, Nguyễn Khoa Điềm)

Phân tích hai đoạn thơ trên, từ đó làm nổi bật sự kết hợp giữa chất chính luận và trữ tình trong phong cách Nguyễn Khoa Điềm.


HƯỚNG DẪN GIẢI

Nội dung

Điểm

ĐỌC - HIỂU

3.0

Câu 1:

Theo Mã Vân, điều đã giúp ông thành công khi thành lập Tập đoàn công nghệ Alibaba: Sự thành lập của Alibaba không được lên kế hoạch từ trước. Chính sự “tức thời”, “ngay lập tức” đã xây dựng nên Alibaba.

0.5

Câu 2:

Việc tác giả dẫn ra cuộc phỏng vấn Mã Vân (tỉ phú Jack Ma) có tác dụng: tăng sức thuyết phục cho bài viết, bởi Mã Vân là người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng lớn. Bản thân Mã Vân cũng là một tấm gương sáng về những người tự thân kiên trì theo đuổi ước mơ, tính thức thời và khả năng đón xu thế, nắm bắt cơ hội, triển khai tức thời những ý tưởng kinh doanh táo bạo của mình.

0.5

Câu 3:

Chúng ta thường kéo dài sự trì hoãn thực hiện một công việc, một mục tiêu nào đó, vì:

- Chúng ta luôn nghĩ minh còn đủ thời gian để hoàn thành công việc.

- Chúng ta còn lười nhác và ngại những khó khăn, khi gặp khó dễ nản chí, dẫn đến e ngại bắt tay vào việc.

- Một số người nghĩ rằng chỉ trong tình huống khẩn cấp, con người mới có thể sáng tạo, tạo dấu ấn riêng.

1.0

Câu 4:

Thí sinh có thể trình bày quan điểm của mình, có thể đồng tình hoặc không đồng tình. Có thể theo hướng sau:

- Một số người cho rằng, chỉ trong tinh huống thật sự khẩn cấp, bản năng và khả năng to lớn của con người mới được đánh thức và được khai thác hết công suất.

- Tuy nhiên, cũng có người cho rằng một công việc bất kì, muốn hoàn thành nó đạt kết quả cao, chúng ta phải có một quỹ thời gian đủ lớn để trải nghiệm, để chuẩn bị ứng phó với những tình huống bất ngờ do cuộc sống đem lại. Do vậy, không thể có chuyện thành công khi làm công việc trong sự gấp gáp và sức ép của thời gian.

1.0

LÀM VĂN

7.0

Câu 1: Tác hại của thói quen trì hoãn công việc của con người trong cuộc sống.

2.0

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.

0.25

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Tác hại của thói quen trì hoãn công việc của con người trong cuộc sống.

0.25

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề theo nhiều cách nhưng cần làm rõ tác hại của thói quen trì hoãn công việc của con người trong cuộc sống.

 

- Giải thích: Trì hoãn là kéo dài, làm gián đoạn tiến độ công việc, dù rằng trong điều kiện thực tế, con người có thể tiến hành tức thời.

0.25

- Phân tích, bàn luận:

Thói quen trì hoãn có thể mang đến nhiều hậu quả tiêu cực đối với cuộc sống của con người, trước hết nó hình thành tâm lí ỷ lại, lười biếng.

+ Trì hoãn ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ và kết quả của công việc, khiến ta không hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn.

+ Trì hoãn khiến con người bỏ lỡ những cơ hội, những điều kiện tốt để phát triển và khẳng định giá trị của bản thân.

+ Thói quen trì hoãn công việc còn làm nảy sinh tính bê trễ, thiếu kỉ luật, trách nhiệm với bản thân cũng như với công việc được giao.

+ Trì hoãn làm cho con người trở nên lười biếng, không phát huy được sự cố gắng, nỗ lực, kĩ năng giải quyết, xử lí mọi việc cũng bị giảm sút đáng kể.

+ Đưa ra dẫn chứng phù hợp: trì hoãn cá nhân, trì hoãn hoàn thành các công trình lớn...

0.5

- Bài học:

Trì hoãn là thói quen không tốt cần được nhận thức và thay đổi nếu như muốn phát triển và hoàn thiện bản thân; đừng tạo điều kiện cho sự lười biếng và những suy nghĩ thiếu quyết đoán phát triển; đừng để thói quen trì hoãn trở thành vật cản đường trong hành trình đến với thành công.

0.25

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt.

0.25

e. Sáng tạo

Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

0.25

Câu 2: Chất chính luận và chất trữ tình thể hiện qua 02 trích đoạn thơ (Đất Nước, trích Mặt đường khát vọng, Nguyễn Khoa Điềm)

5.0

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

Mở bài giới thiệu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

0.5

b. Triển khai vấn đề nghị luận

Vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

 

* Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm

- Tổ quốc là một đề tài phong phú của thơ ca Việt Nam. Trước Nguyễn Khoa Điềm đã có nhiều bài thơ hay, nhiều tác giả thành công về đề tài này. Đất nước anh hùng trong kháng chiến chống Pháp, mang hồn thu Hà Nội của Nguyễn Đình Thi. Đất nước cổ kính, dân gian, mang hồn quê Kinh Bắc của Hoàng Cầm. Đất nước hóa thân cho một dòng sông xanh, đầy ắp kỉ niệm trong thơ Tế Hanh. Đất nước hài hòa trong dáng hình quê hương và tình yêu đôi lứa trong thơ Giang Nam.

0.5

Nhưng, Nguyễn Khoa Điềm đã tìm được một cách nói riêng để bản trường ca của ông đã mang lại cho bạn đọc những rung cảm thẩm mĩ mới về đất nước: Đất Nước của nhân dân.

- Nguyễn Khoa Điềm thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đất nước, nhân dân, cách mạng luôn là nguồn cảm hứng phong phú của thơ ông.

- Đất Nước là một đoạn trích thuộc chương V trong bản trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm, sáng tác năm 1971, tại chiến trường Bình Trị Thiên. Tác phẩm có sự kết hợp nhuần nhị giữa chất chính luận và chất trữ tình.

- Giải thích: Chất trữ tình là bản chất, đặc trưng của thơ ca. Đó là sự giãi bày, biểu đạt cảm xúc của nhà thơ thông qua việc xây dựng hình ảnh, sử dụng tu từ, giọng điệu... Chất chính luận là biểu hiện nghị luận, bàn bạc, suy nghĩ, đánh giá về những vấn đề chính trị, triết lí về cuộc đời, lẽ sống. Cảm hứng chính trị thời sự đã tạo nên dòng thơ ca viết về đất nước giàu cảm xúc, trong đó Nguyễn Khoa Điềm là cây bút tiêu biểu. Đó cũng là phong cách nghệ thuật đặc trưng của nhà thơ.

 

Thí sinh có thể cảm nhận theo nhiều cách nhưng cần đáp ứng các yêu cầu sau:

 

- Đoạn thứ nhất:

+ Hiện tại: đất nước có trong tấm lòng mỗi con người, mỗi người đều thừa hưởng những giá trị của đất nước, khi mọi người đoàn kết, đất nước sẽ nồng thắm, hài hòa, lớn lao. Đó mối quan hệ giữa cái riêng và cái chung. Đây là một sự thực mà mỗi người Việt Nam ai cũng đều cảm nhận được. Đất Nước đã hóa thân vào mỗi con người, bởi chúng ta đều là con Rồng, cháu Tiên, đều sinh ra và lớn lên trên đất nước này. Mỗi người Việt Nam đều đã và đang thừa hưởng những giá trị vật chất, tinh thần của Đất Nước thành máu thịt, tâm hồn, nếp cảm, nếp nghĩ và cách sống của mình.

Với những cảm nhận tinh tế, mới mẻ về sự hòa quyện giữa cái riêng và cái chung, giữa tình yêu và niềm tin, đồng thời kết hợp sử dụng các tính từ “hài hòa, nồng thắm”; “vẹn tròn, to lớn” đi liền nhau; đặc biệt là kiểu câu cấu tạo theo hai cặp đối xứng về ngôn từ (“Khi/Khi; Đất Nước/ Đất Nước), nhà thơ muốn gửi đến cho người đọc bức thông điệp: đất nước là sự thống nhất hài hòa giữa tình yêu đôi lứa với tình yêu Tổ quốc, giữa cá nhân với cộng đồng.

+ Tương lai: thế hệ trẻ sẽ “mang Đất Nước đi xa” “đến những tháng ngày mơ mộng”, đất nước sẽ trường tồn, bền vững. Không chỉ khẳng định mối quan hệ gắn bó giữa đất nước và nhân dân, giữa tình yêu cá nhân với tình yêu lớn của Đất Nước; nhà thơ còn thể hiện niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi sáng của Đất Nước:

Mai này con ta lớn lên

Con sẽ mang Đất Nước đi xa

Đến những tháng ngày mơ mộng.

- Có thể nói, ba dòng thơ đã mở ra một tầng ý nghĩa mới, đó là niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi sáng của Đất Nước. Thế hệ sau “con ta lớn lên sẽ mang Đất Nước đi xa/ Đến những tháng ngày mơ mộng”. Đất nước sẽ đẹp hơn, những tháng ngày mơ mộng ở hiện tại sẽ trở thành hiện thực ở ngày mai.

- Khi đã hiểu hết ý nghĩa thiêng liêng của Đất Nước, nhà thơ muốn nhắn gửi với mọi người:

+ Suy tư về trách nhiệm của mỗi cá nhân với Đất Nước: “Phải biết gắn bỏ và san sẻ; “phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở”, đóng góp, hi sinh để góp phần dựng xây đất nước, làm nên một Đất Nước trường tồn, bất diệt.

+ Nhận xét: qua cái nhìn toàn diện của nhà thơ, Đất Nước hiện lên vừa gần gũi, thân thuộc lại vừa thiêng liêng, hào hùng và trường tồn đến muôn đời sau. Bằng giọng văn trữ tình kết hợp với chính luận; bằng cách sử dụng câu cầu khiến, điệp ngữ “phải biết - phải biết” nhắc lại hai lần cùng các động từ mạnh “gắn bó, san sẻ, hóa thân”... nhà thơ như nhắn nhủ mình, nhưng cũng là nhắn nhủ với mọi người (nhất là thế hệ trẻ) về trách nhiệm thiêng liêng của mình với Đất Nước. Cái hay là lời nhắn nhủ nội dung chính luận nhưng lại không giáo huấn mà vẫn rất giàu cảm xúc, tha thiết như lời tự dặn mình - dặn người của nhà thơ.

1.0

- Đoạn thứ hai:

+ Nhân dân là chủ thể sáng tạo và bảo lưu nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc: tạo ra và giữ gìn những giá trị vật chất, tinh thần cho đất nước: “truyền hạt lúa”, “truyền lửa”, “truyền giọng nói”, “gánh theo tên xã, tên làng”... Từ đó xây dựng nền móng phát triển đất nước lâu bền.

+ Tư tưởng cốt lõi, cảm hứng bao trùm cả đoạn trích: “Đất Nước này là Đất Nước của Nhân dân; Đất Nước của ca dao thần thoại”, Đất Nước ấy thể hiện qua tâm hồn con người: biết yêu thương, biết quý trọng trọng tình nghĩa, công sức và biết xả thân cho những giá trị trường tồn...

0.5

- Chất chính luận:

+ Một bài thơ được xem là có thiên hướng chính luận khi nhà thơ muốn bộc lộ những quan niệm, tư tưởng chính trị - xã hội của mình và muốn chia sẻ, thuyết phục người đọc về tính đúng đắn của những quan niệm, tư tưởng đó. Trong đoạn trích Đất Nước, Nguyễn Khoa Điềm muốn chia sẻ quan niệm, tư tưởng của ông: đất nước thân thương, lâu đời, bền vững và đáng tự hào này là của nhân dân; đồng thời cũng nhắc nhở bổn phận của mỗi người đối với nhân dân và đất nước. Điều này làm nên chất chính luận rất nổi bật của đoạn trích.

+ Tính chất tư tưởng của thơ thể hiện ở đề tài, cách triển khai. Dùng thơ ca để truyền tải một hệ thống tư tưởng mang tính quan điểm về bản chất của đất nước: nhà nước của dân, do dân, vì dân.

+ Tính lập luận thể hiện ở việc bố trí các luận điểm theo quan hệ nhân - quả (vì đất nước là một phần của mỗi chúng ta nên mỗi công dân cần có trách nhiệm với đất nước).

0.5

- Chất trữ tình: Tuy nhiên, thơ trước hết vẫn là trữ tình, là phát biểu cảm nhận, bộc lộ cảm xúc, theo đuổi suy tưởng. Vì vậy, trong đoạn trích Đất Nước, sự kết hợp giữa chính luận và trữ tình vừa là một yêu cầu vừa là một hệ quả tất yếu.

+ Hệ thống hình ảnh mang đậm sắc thái dân gian, với nhiều biểu tượng giàu ý nghĩa.

+ Giọng điệu tâm tình, nhắn nhủ tha thiết; lóp ngôn từ trùng điệp gợi cảm hứng trào dâng cuồn cuộn về lòng tự hào dân tộc, đất nước

0.5

- Chất trữ tình: Tuy nhiên, thơ trước hết vẫn là trữ tình, là phát biểu cảm nhận, bộc lộ cảm xúc, theo đuổi suy tưởng. Vì vậy, trong đoạn trích Đất Nước, sự kết hợp giữa chính luận và trữ tình vừa là một yêu cầu vừa là một hệ quả tất yếu.

+ Hệ thống hình ảnh mang đậm sắc thái dân gian, với nhiều biểu tượng giàu ý nghĩa.

+ Giọng điệu tâm tình, nhắn nhủ tha thiết; lớp ngôn từ trùng điệp gợi cảm hứng trào dâng cuồn cuộn về lòng tự hào dân tộc, đất nước.

- Yếu tố chính luận làm cho nội dung tư tưởng của đoạn trích thêm sâu sắc. Yếu tố trữ tình làm cho đoạn trích có sức lay động, truyền cảm, biến tư tưởng, quan niệm, nhận thức thành cảm hứng nghệ thuật. Kết hợp hai yếu tố này thực sự không dễ, nhưng tác giả của đoạn trích đã làm được.

0.5

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt.

0.5

e. Sáng tạo

Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

0.5