Đăng ở mục Bồi dưỡng học sinh giỏi>>chuyên đề lý
luận văn học >> nhan đề “Tác phẩm văn học như con quay kì lạ”
Tác phẩm văn học như con quay kì lạ…( J.Paul.Sartre)
“Tác phẩm văn học như con
quay kì lạ, chỉ có thể xuất hiện trong vận động. Muốn làm cho nó xuất hiện, cần
phải có một hoạt động cụ thể là sự đọc. Và tác phẩm văn học chỉ kéo dài chừng
nào sự đọc còn có thể tiếp tục. Ngoài sự đọc ra, nó chỉ còn là những vệt đen
trên giấy trắng”
Nhiều
năm trở lại đây, vấn đề tiếp nhận tác phẩm không chỉ là mối quan tâm của lí luận
văn học mà còn là đối tượng của rất nhiều khoa học nghiên cứu văn học. Bình luận
và phân tích quan niệm của J.Paul.Sartre trên cơ sở ngôn ngữ học hiện đại cho
chúng tôi những kiến giải sâu sắc.
Nếu
như vai trò sáng tạo của nhà văn có lịch sử nghiên cứu khá đầy đặn thì vai trò
của người đọc, bản chất của quá trình tiếp nhận văn học dẫu đã được “canh tác”
ít nhiều vẫn còn là mảnh đất khá màu mỡ, mời gọi khám phá.
Lấy
mối quan hệ tác giả - tác phẩm - bạn đọc làm căn cốt, xưa nay có nhiều ý kiến
khác nhau về yếu tố trung tâm của hoạt động văn học.
Trước
đây, có một quan niệm đã trở thành quán tính trong nghiên cứu phê bình: lấy tác
giả cùng cá tính sáng tạo làm trung tâm. Nó xem nhẹ vai trò của bạn đọc và quá
trình tiếp nhận.
Ý
tưởng của nghệ sĩ là nòng cốt, là “chỉ dẫn của Chúa” để soi đường cho những tín
đồ văn chương mải miết đi tìm chân lí. Tiếp nhận được xem như một nỗ lực phóng
chiếu tinh thần nghệ sĩ vào tác phẩm, truy tìm ánh xạ tâm hồn nhà văn trong bề
mặt ngôn ngữ, văn bản.
Theo
đó, phê bình cố gắng lần tìm theo lối người viết đã đi để dựng lại một tác phẩm
văn học duy nhất trong ý đồ sáng tạo. Hướng nghiên cứu phổ biến và lí tưởng một
thời là tiếp cận trực tiếp với tác giả, khai thác địa đồ nhà văn đã phác thảo,
lí giải tác phẩm bằng chỉ dẫn trực tiếp.
Vấn
đề đặt ra: làm cách nào để tìm hiểu các tác phẩm khuyết danh, các sáng tác của
các nhà văn không đồng thời với chúng ta hay nhà văn đã mất? Nếu tác giả không
để lại bất kì chỉ dẫn nào ngoài văn bản thì có nghĩa chiếc chìa khoá đi vào văn
bản mãi mãi bị vùi lấp.
Xem
tác phẩm văn học “như một quá trình”, các nhà nghiên cứu đã phục nguyên vai trò
của bạn đọc.Chúng tôi quan tâm tới phân tích của hai tác giả Nguyễn Lai và Bùi
Minh Toán trên góc độ ngôn ngữ học.
GS.Nguyễn
Lai trong bài viết “Về quá trình tiếp nhận văn học” có đưa ra 5 luận điểm quan
trọng:
1. Nói
đến quá trình tiếp nhận văn học, thoạt tiên ta nghĩ ngay tới “sản phẩm” được
làm ra. Theo cách đó, sản phẩm chưa qua tay người tiêu dùng thì mới ở dạng tiềm
năng. Do vậy, năng động chủ quan của người tiếp nhận là cánh cửa đầu tiên để ta
có thể đi vào ngôi nhà tạo nghĩa của quá trình tiếp nhận văn học.
2. Chủ
thể hoạt động biến “thành phẩm” thành tác phẩm
3. Sự
khác nhau giữa kí hiệu thẩm mĩ và hình tượng thẩm mĩ. Tuy cùng là những gợi dẫn
thẩm mĩ, nhưng ở hình tượng tượng thẩm mĩ, tính năng động chủ quan của chủ thể
phát huy cao độ và phát huy với thế hoàn toàn chủ động. Từ ngữ, kí hiệu thẩm mĩ
chỉ là phương tiện của quá trình gợi dẫn. Trong luận điểm này, tác giả cũng
phân tích quá trình chuyển mã từ mã ngôn ngữ sang mã hình tượng.
4. Quá
trình tác động một cách có qui luật của tác phẩm nghệ thuật đối với người tiếp
nhận.
5. Mối
quan hệ giữa người tiếp nhận với tác phẩm và xã hội thông qua ngôn ngữ.
Coi
hoạt động văn học như là hoạt động giao tiếp, GS Bùi Minh Toán xem xét quá
trình tiếp nhận văn học trên hai khía cạnh: Vai trò của người đọc trong quá
trình tiếp nhận; vai trò của người đọc trong chính hoạt động sáng tạo của người
nghệ sĩ.
Trong
quá trình sáng tạo của nhà văn, độc giả có vai trò nhất định, chi phối quá
trình sáng tạo và chi phối cả nội dung, hình thức của tác phẩm. Trong quá trình
tiếp nhận, độc giả có vai trò đồng sáng tạo. Tác phẩm là một bộ mã, nhà văn là
người kĩ mã, bạn đọc giải mã.
Như
vậy, ở Việt Nam, quan niệm về quá trình tiếp nhận và vai trò của bạn đọc đã được
thấu thị qua những lăng kính khoa học đáng tin cậy. Dễ dàng nhận thấy những luận
điểm đó khá gần gũi với nhận định của J.Paul.Sartre.
Trước
hết, Sartre nhận xét tác phẩm văn học không phải là cái hoàn tất cố định sau
quá trình thai nghén của nhà văn mà luôn luôn vận động biến đổi như “con quay
kì lạ”. Tác phẩm chỉ hiện tồn “trong vận động”.
Dường
như, ở đây có một cuộc đối thoại ngầm với các quan điểm cho rằng tác phẩm là cố
định, duy nhất, chỉ phụ thuộc vào ý đồ của nhà văn ( đã phân tích ở trên). Vận
động là điều kiện thiết yếu để tác phẩm có thể xuất hiện, là đời sống đích thực
của tác phẩm.
Vậy
cơ chế nào cho sự vận động của văn bản nghệ thuật? Ông khẳng định “cần có hoạt
động cụ thể là sự đọc”, đồng thời tiếp tục nhấn mạnh vai trò của sự đọc hay
cũng chính là vai trò của độc giả “tác phẩm văn học chỉ kéo dài chừng nào sự đọc
còn có thể tiếp tục.
Ngoài
sự đọc ra, nó chỉ còn là những vệt đen trên giấy trắng”. Như vậy sự đọc có ý
nghĩa sống còn đối với sức sống của tác phẩm. Không được độc giả tiếp nhận, tác
phẩm chỉ là những “vệt đen trên giấy trắng” – những con chữ vật lí vô cảm, vô hồn.
Sự đọc là máu để biến một thể xác vật chất (văn bản) thành một sinh thể có xúc
cảm, có vui buồn, có trăn trở.
Tóm
lại, J.Paul.Sartre sử dụng cách nói quá để nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng
của tiếp nhận đối với đời sống văn học. Vô hình chung, tác giả đã xem văn học
là hoạt động giao tiếp, là một quá trình.
Dễ
dàng nhận thấy dấu ấn triết học hiện sinh trong nhận định này. Sự vật hiện tượng
tồn tại trong thế giới ở hình thức cá thể, hiện thực với sinh hoạt hàng ngày.
Cho nên, tác phẩm văn học là một sản phẩm tinh thần, được cụ thể bằng dạng vật
chất (văn bản ngôn từ), cũng chỉ có ý nghĩa trong đời sống của nó – sự đọc. Được
viết ra từ những ẩn ức của nhà văn nhưng để hướng tới độc giả, nhân loại nói
chung, tách khỏi sự đọc, tác phẩm chỉ là cái xác vô hồn.
Khẳng
định ý nghĩa của sự đọc không có nghĩa phủ nhận vai trò của nhà văn và quá
trình sáng tạo. “Con quay kì lạ” dẫu biến ảo, vận động về đâu cũng cần có một
trục trụ duy nhất để cân bằng. Ấy là những chỉ dẫn nghệ thuật, những tín hiệu
thẩm mĩ mà nhà văn dày công xây dựng trong tác phẩm. Tác phẩm là một quá trình,
Sartre nhấn mạnh vào quá trình thứ hai – giải mã. “Tác phẩm chỉ có thể kéo dài
chừng nào sự đọc còn có thể tiếp tục” .
So
sánh quan niệm của Sartre với luận giải của Nguyễn Lai, Bùi Minh Toán (đã nên ở
trên), có thể thấy sự tương đồng rõ nét. Nếu Sartre cho rằng thiếu sự đọc, tác
phẩm chỉ là “những vệt đen trên giấy trắng” thì Nguyễn Lai coi văn bản được nhà
văn sáng tạo ra mới chỉ ở dạng “tiềm năng”.
Tiềm
năng ấy chỉ được hiện thực hóa thông qua quá trình giải mã tín hiệu thẩm mĩ dựa
trên sự tác động có qui luật của văn bản lên người đọc. Bùi Minh Toán phân tích
chỉ rõ vai trò của độc giả một cách toàn diện. Như vậy, từ những so sánh này,
có thể khẳng định:
Quá
trình văn học được tạo thành từ quá trình sáng tác (của nhà văn) và quá trình
tiếp nhận (của người đọc). Nó có tính liên tục, quan hệ chặt chẽ, không tách rời
bởi hạt nhân – văn bản.
Trung
tâm của quá trình văn học là văn bản. Nhà văn tạo ra văn bản đồng nghĩa với việc
sáng tạo những tín hiệu thấm mĩ, thực hiện quá trình kí mã (chuyển ngôn ngữ tự
nhiên thành ngôn ngữ nghệ thuật). Đến lượt mình, độc giả thực hiện việc giải
mã.
Ý
đồ của nhà văn chỉ là một khả năng tồn tại của tác phẩm. Mỗi người đọc, bằng nền
tảng văn hóa, tâm lí, trình độ thụ cảm riêng lại tạo ra vô vàn khả năng khác
cho văn bản.
Xét
ở góc độ này, văn bản có tính độc lập tương đối với nhà văn và bạn đọc. Cái trục
của “con quay kì lạ” chính là những chỉ dẫn nghệ thuật thông qua hệ thống tín
hiệu thẩm mĩ trong tác phẩm.
Đời
sống của tác phẩm không phải tính bằng thời gian nhà văn thai nghén ra nó. Có
những sản phẩm nghệ thuật mới ra đời đã chết yểu và mãi mãi không phục sinh vì
thiếu vắng độc giả. Lại có những tác phẩm cổ xưa vẫn dồi dào sức sống nhờ quá
trình thụ cảm còn tiếp tục.
Thực
tế đời sống văn học cho thấy quan niệm của Sartre là hoàn toàn có lí.
Truyện
Kiều – sản phẩm của “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” của Nguyễn Du khai
sinh cách đây mấy nghìn năm vẫn còn mời gọi khám phá, tạo ra biết bao cách cảm
nhận và tranh luận khác nhau. Nguyễn Du đã mất nhưng sinh mệnh nghệ thuật Truyện
Kiều dường như bất tử. Mối thế hệ bạn đọc, với nền tảng văn hóa, tinh thần khác
nhau lại giải mã tác phẩm theo một cách khác bằng một thái độ riêng.
Có
thời, người ta đặt Truyện Kiều lên bàn cân tư tưởng phong kiến để đánh giá vị
trí của tác phẩm. Dùng quan điểm xã hội học, áp đặt những yếu tố bên ngoài để
nhận xét mà không căn cứ vào ngôn từ, mọi nhận định cơ hồ đều đi vào phiến diện,
bế tắc.
GS
Trần Đình Sử, dựa trên cơ sở ngôn ngữ học, phân tích các tín hiệu thẩm mĩ đã
rút ra những luận điểm chính xác về Thi pháp Truyện Kiều, gợi mở cho chúng ta
thấy cách tiếp cận trục trụ của “con quay kì lạ” chính là ngôn từ nghệ thuật.
Tính
độc lập tương đối của văn bản khiến cho nhiều khi bạn đọc có thể phát hiện những
nét mới ngoài ý đồ sáng tạo của nhà văn. Kim Lân từng bất ngờ khi trong kì thi
ĐH, khối D, năm 2005, có một học sinh được điểm 10 khám phá ra một điều mà ông
chưa bao giờ dụng công trong xây dựng phẩm chất anh cu Tràng (sự hiếu thảo với
bà cụ Tứ). Người đọc từ một bộ mã mà nghệ sĩ đã kí gửi – văn bản có thể giải
theo nhiều cách khác nhau, tạo ra những khả năng thụ cảm phong phú.
Sáng
tạo văn học đồng nghĩa với việc thiết kế những tín hiệu thẩm mĩ. Đó là những chỉ
dẫn nghệ thuật người đọc dù tạo ra bao nhiêu khả năng cho tác phẩm vẫn phải tụ
phát từ trục quay này.
Chẳng
hạn, tín hiệu thẩm mĩ “mặt chữ điền” (Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mạc Tử) có thể hiểu
là khuôn mặt của người con trai – tác giả hoặc khuôn mặt của người con gái soi
qua trái tim nhớ thương da diết của thi sĩ. Dẫu hiểu theo cách nào cũng cần đặt
trong hệ thống – nghĩa là gắn với văn cảnh “Lá trúc che ngang mặt chữ điền” để
thấy được nét đẹp của con người Vĩ Dạ và niềm hoài mong đau đáu của Hàn Mạc Tử.
Tương
tự như thế, cặp hình tượng “non – nước” ở “Thề non nước” của Tản Đà mang tính
đa nghĩa: vừa là hai vật thể thiên nhiên với qui luật muôn đời, vừa là người
con trai và người con gái nhớ thương trong xa cách, vừa là đất nước bị cắt chia
đầy xa xót nhưng tất cả đều mang một trạng thái cảm xúc chung.
Hồ
Chí Minh khi cầm bút đều đặt ra bốn câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết
cái gì? Viết như thế nào? Người đọc như vậy còn có vai trò chi phối quá trình
sáng tạo của nhà văn.
Văn
bản thì duy nhất nhưng tác phẩm xét ở chừng mực nhất định là bất tận. Tác phẩm
có thể chỉ được tạo ra trong một khắc, nhưng sinh mệnh của nó là bất tử (đối với
các kiệt tác). Độc giả chính là thước đo giá trị đích thực của một tác phẩm văn
học. Quan niệm hiện sinh của J.Paul.Sartre xét cho cùng đã đạt đến bản chất tồn
tại của tác phẩm văn học.
(Nguồn: từ Internet)